Những ngày gần đây, lượng bệnh nhân đổ dồn đi khám bệnh tăng bất thường khiến một số bệnh viện lớn ở TP HCM và Hà Nội phải căng sức giải quyết và triển khai phương án mới để đáp ứng nhu cầu.
Lượng bệnh tăng cao chưa từng có
Tại TP HCM, lượng người bệnh đến Bệnh viện Chợ Rẫy cao hơn các ngày nghỉ lễ từng được cho là "vượt đỉnh" mà bệnh viện từng ghi nhận trước đây.
Được chuyển viện từ miền Trung vào Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị chuyên sâu về bệnh thận và có mặt tại bệnh viện từ 4 giờ nhưng mãi đến chiều bà T.T.N (79 tuổi) mới được bố trí giường nằm tại Khoa Nội thận. Người nhà cho hay do quá tải hết giường, bà phải nằm tạm hành lang dọc lối đi, đợi bệnh nhân khác xuất viện thì mới có suất.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, những ngày gần đây lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng cao kỷ lục. Số liệu thống kê của Phòng Kế hoạch Tổng hợp cho thấy chỉ riêng ngày 8-7, số bệnh nhân vào cấp cứu là 437 ca, cao nhất từ trước đến nay (những ngày bình thường trung bình chỉ khoảng 300 - 350 ca). Con số này cũng được ghi nhận là cao hơn các ngày nghỉ lễ mà Khoa Cấp cứu của bệnh viện từng tiếp nhận trước đây (420 ca vào ngày nghỉ lễ 5-9-2022). Trong đó, có 361 bệnh nhân nhập nội trú tiếp tục điều trị, 32 bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông và chuyển phòng mổ 26 trường hợp... Số lượng bệnh nhân tăng cao bất thường khiến y - bác sĩ cũng một phen vất vả, làm việc hết công suất để đáp ứng. "Bữa đó đúng đêm trực của tôi, nhận bệnh không kịp luôn. Vô trực là chạy chứ đi là làm không kịp" - điều dưỡng Đỗ Lợi kể lại.
Còn tại Hà Nội, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cũng đã làm việc hết công suất, tăng ca xuyên đêm. PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thời gian qua, số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tăng cao. Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình 7.000 - 8.000 người, cao điểm lên đến 10.000 người, hầu hết dồn vào buổi sáng gây ùn tắc. Nhiều người ở tỉnh xa đi xe khách từ đêm đến bệnh viện chờ khám từ lúc 4 - 5 giờ. Điều này gây ra tình trạng ùn ứ bệnh nhân cục bộ, người bệnh phải xếp hàng, chờ đợi lâu, gây mỏi mệt, bức xúc.
Khám xuyên đêm để đáp ứng
Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, với số lượng bệnh nhân tăng cao nên việc quá tải là điều khó tránh khỏi. Do đó, với bệnh nhân khám ngoại trú, các bác sĩ đã cố gắng thực hiện khám và hoàn trả kết quả trong ngày, không phải chờ đợi đến hôm sau. Để hạn chế việc người dân phải đi sớm, chờ đợi quá lâu, bệnh viện cũng đã mở cửa khu vực đón tiếp tại phòng khám từ 5 giờ 30 phút hằng ngày để hạn chế cảnh người dân xếp hàng từ lúc 4 giờ để chờ khám. Một số bộ phận, bàn khám có thể bắt đầu từ 6 giờ 30 phút - 7 giờ. Đồng thời, bệnh viện đã tổ chức khám chữa bệnh BHYT và khám theo yêu cầu tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật. "Với việc mở rộng khung giờ khám đến 21 giờ mỗi ngày sẽ giúp người dân làm việc tại các cơ quan, đơn vị vẫn có thể đi khám bệnh mà không ảnh hưởng đến công việc" - lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thông tin.
Ngày 1-8 tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai khám bệnh ngoài giờ hành chính, lúc 17 đến 21 giờ, nhằm thuận tiện cho bệnh nhân và giảm quá tải. Người bệnh có thể đăng ký khám qua app (ứng dụng) hoặc gọi điện thoại đến tổng đài để đặt lịch. Quyết định khám thêm giờ buổi tối được thực hiện trong bối cảnh số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại bệnh viện tăng cao.
PGS-TS Đào Xuân Cơ cũng khuyến cáo người dân đặt lịch khám trên app hoặc qua tổng đài để tránh việc phải chờ đợi quá lâu, gây ùn ứ cục bộ tại một số thời điểm. Hiện mỗi ngày hệ thống tổng đài và ứng dụng đã tiếp nhận khoảng 2.500 người đăng ký hẹn khám.
"Người bệnh và thân nhân có thể đặt lịch hẹn khám trước về khung giờ, ngày khám và chọn bác sĩ theo mong muốn. Trên trang web của Bệnh viện Bạch Mai đã thông báo rõ lịch khám của các bác sĩ. Do đó, người bệnh và gia đình, người có nhu cầu khám, kiểm tra sức khỏe hoàn toàn chủ động lựa chọn bác sĩ và đặt lịch. Nếu người dân đăng ký khám trước, bệnh viện sẽ phân bố đều thời gian và nhân lực trong ngày. Bệnh nhân không phải chờ đợi, bác sĩ sẽ phân bổ được thời gian đều cho mỗi người bệnh" - ông Cơ nói.
Đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số
Trước tình trạng quá tải này, ngoài các giải pháp trước mắt có thể, một số bệnh viện triển khai thêm phương án mới để đáp ứng nhu cầu người bệnh. "Dù lượng bệnh cấp cứu tăng cao nhưng chúng tôi chỉ đạo Khoa Cấp cứu luôn chuẩn bị và phối hợp tốt cùng các khoa, phòng bảo đảm công tác chuyên môn điều trị, xử trí kịp thời những tình huống khẩn cấp" - bác sĩ Phạm Thanh Việt cho biết.
Nói về thói quen đi khám buổi sáng do tâm lý chỉ có thể lấy mẫu máu vào sáng sớm, lúc chưa ăn, tuy nhiên, theo PGS Cơ, kết quả xét nghiệm trên các hệ thống máy hiện đại dù thực hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng đều bảo đảm tính chính xác, tin cậy giúp chẩn đoán bệnh. Trong trường hợp người dân cần xét nghiệm sớm cũng có thể đặt lịch đến bệnh viện lấy máu xét nghiệm, sau đó đi làm bình thường và chiều hoặc tối trở lại bệnh viện để được khám, tư vấn. Như vậy, tránh giờ cao điểm trong ngày mà vẫn có thể duy trì công việc hằng ngày.
Về hệ thống thiết bị phục vụ bệnh nhân trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai khẳng định bệnh viện đã được trang bị thêm các hệ thống máy, do đó các trường hợp ngoại trú có chỉ định nội soi đường tiêu hóa và chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ đều đáp ứng trong ngày. Riêng hệ thống máy nội soi tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện hiện có thể đạt 800 - 1.000 ca/ngày với các kíp nội soi được tăng cường và hệ thống hạ tầng được mở rộng. "Ngoài ra, bệnh viện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm giảm thủ tục chờ đợi, gây phiền hà bệnh nhân. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã không in giấy các chỉ định chuyên môn (liên quan chụp, chiếu) và từ tháng 8 tới đây cũng sẽ không in phim chụp mà thực hiện đọc phim bằng hệ thống máy có quét QR code" - lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
"Bệnh viện phải mở khám từ 5 giờ 30 phút hằng ngày để hạn chế cảnh người dân xếp hàng từ lúc 4 giờ.
Cần có chiến lược để "chia lửa"
Tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM (cơ sở mới ở TP Thủ Đức với quy mô 1.000 giường) lúc nào cũng đông bệnh nhân chờ đến lượt khám. Nhiều người ở tỉnh phải bắt xe có mặt tại Khoa Khám bệnh từ lúc 4 giờ để chờ. Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành bệnh viện, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 4.700 - 4.800 lượt khám, gần 1.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 1.000 - 1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị. Con số này tăng hơn 10% so với năm 2023. Hằng năm lượng bệnh nhân ung thư đến điều trị đều gia tăng, trong đó có khoảng 80% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác.
Trung bình mỗi bệnh nhân xạ trị phải chờ đợi từ 3-4 tuần, có khi lâu hơn, hiện vẫn còn khoảng 500 - 600 bệnh nhân đợi tới lượt xạ trị. Số lượng bệnh nhân chờ được phẫu thuật cũng rất nhiều. Bệnh viện có 13 máy xạ trị, bao gồm các dòng máy từ đơn giản như xạ trị gia tốc 1 bước năng lượng tới những dòng máy cao cấp. Các máy này hầu như hoạt động hết công suất, mỗi ngày chạy 3 ca kéo dài đến 21 giờ nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
Trước tình hình này, để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, bệnh viện đã áp dụng công nghệ thông tin hẹn lịch mổ, lịch tái khám, tránh để nhiều bệnh nhân đến cùng lúc, sắp xếp ưu tiên các trường hợp cần phải điều trị gấp. Đặc trưng của bệnh ung thư tại Việt Nam là phát hiện bệnh muộn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc điều trị kéo dài, làm tăng thêm tình trạng quá tải. "Cần có chiến lược đầu tư phát triển các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến quận, huyện để "chia lửa", giảm tải cho các bệnh viện chuyên khoa" - lãnh đạo Bệnh viện Ung Bướu nói.
0 nhận xét:
Post a Comment