Bác sĩ chuyên khoa II Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health, trả lời: Việc tiêm ngừa vắc-xin HPV đã được chứng minh là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến virus HPV, bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư họng. Tuy nhiên, câu hỏi liệu người đã tiêm ngừa HPV có nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà hay không vẫn còn gây nhiều tranh cãi và thắc mắc trong cộng đồng.
Theo thống kê, mỗi năm ở Mỹ có 15.000 phụ nữ và 7.000 nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư do virus HPV type 16 và 18 gây ra. Ở nam giới, 92% trường hợp ung thư hậu môn, 63% trường hợp ung thư dương vật và 89% trường hợp ung thư miệng hoặc ung thư vòm họng được nghiên cứu thấy có liên quan đến HPV type 16 và 18.
Người ta ước tính rằng các vắc-xin HPV có thể ngăn chặn 70% ung thư cổ tử cung, 80% ung thư hậu môn, 60% ung thư âm đạo, 40% ung thư âm hộ và có thể một số bệnh ung thư miệng. Các vắc-xin này cũng ngăn ngừa một số loại gây sùi mào gà với đặc biệt vắc-xin 4 loại và 9 loại cho hiệu quả kháng thể tốt hơn. Mặc dù vắc-xin HPV có thể giảm nguy cơ nhiễm các loại virus HPV gây sùi mào gà nhưng không thể bảo đảm một cách tuyệt đối người đã tiêm vắc-xin sẽ không mắc phải sùi mào gà.
Một số trường hợp dưới đây có thể dẫn đến tình trạng sùi mào gà mặc dù đã tiêm vắc xin HPV: Quan hệ tình dục không an toàn; nhiễm HPV trước khi tiêm vắc xin; hệ miễn dịch yếu.
Do đó, điều quan trọng là cần phải duy trì sự cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa toàn diện, bao gồm tiêm vắc-xin, thực hiện các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục và thực hiện các chương trình kiểm tra sàng lọc định kỳ.
Được chẩn đoán u tế bào gối trái hồi đầu tháng 7 nhưng bà D.T.H (51 tuổi) được bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) hẹn sang tháng 8 mới có thể phẫu thuật vì hết vật tư. Với đặc thù công việc là giáo viên nên bà mong muốn được mổ sớm sau đó tập phục hồi chức năng để có thể trở lại đứng lớp vào năm học mới.
Thiếu thuốc, vật tư kéo dài
Sau khi được bác sĩ thông báo chờ mổ sang tháng 8 hoặc lâu hơn, bà H. đã đến một số bệnh viện khác để khám và đăng ký phẫu thuật. Thế nhưng, nhiều lần bà đều nhận được lịch hẹn với thời gian chờ từ 1-2 tháng do quá tải.
Tại khu vực phía Nam, cuối tháng 6 vừa qua, nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện công lập của tỉnh Bình Dương phản ánh dù có BHYT nhưng vẫn phải tự ra ngoài mua vật tư y tế hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cũng thừa nhận thời gian qua đã xảy ra trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều cơ sở y tế công lập. Nguyên nhân do hằng năm các cơ sở y tế phải tổ chức đấu thầu vật tư, sinh phẩm y tế, thời gian tổ chức và lựa chọn nhà thầu thường mất khoảng 4-6 tháng. Tuy nhiên, các thông tư, nghị định thường xuyên thay đổi và cơ chế đấu thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm y tế cần thời gian để thực hiện từng bước theo quy định gồm nhiều thủ tục, dẫn đến chậm.
Ngay sau khi báo chí phản ánh về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Y tế kiểm tra, nắm tình hình và có các giải pháp tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại cơ sở y tế công lập các địa phương.
Riêng TP HCM, câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế thường xuyên kéo dài, đặc biệt tại các bệnh viện lớn, chuyên khoa. Để tháo gỡ những khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều nghị định, thông tư. Tuy vậy, hiện nay tại các bệnh viện công lập vẫn diễn ra tình trạng bệnh nhân phải đi mua thuốc, thậm chí là vật tư y tế để điều trị bệnh.
Lãnh đạo một số bệnh viện ở Hà Nội cho biết đang nỗ lực đấu thầu, mua sắm. Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết bình thường số lượng vật tư và thuốc mua sắm của bệnh viện luôn ở mức 130% kế hoạch, tức là đã tính cả những tình huống bất thường, nhưng thời gian qua số lượng bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới, cơ sở khác đến rất đông, ít nhiều ảnh hưởng đến dự trù vật tư y tế. Tuy nhiên, ông Hùng cũng khẳng định hoạt động mổ cấp cứu vẫn bảo đảm đủ thuốc và vật tư.
Chuyển trách nhiệm về các địa phương
Theo Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do một số nguyên nhân khách quan và đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư giải quyết vấn đề khi lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho cơ quan cấp trên.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về bảo đảm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu (như lãnh đạo sở y tế, lãnh đạo bệnh viện) trong lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khám, chữa bệnh; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo sở y tế, đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương của các cơ sở y tế trực thuộc các bộ, ngành, doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi các cơ sở y tế này có nhu cầu theo đúng quy định.
Theo Bộ Y tế, hiện việc xây dựng kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu thuốc, vật tư được xây dựng theo 3 cấp: cấp quốc gia (Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia), cấp địa phương (sở y tế) và cấp cơ sở (đơn vị, bệnh viện). Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo chủ đầu tư giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho các bộ, ngành, cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.
Thiếu thuốc và vật tư y tế thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh khi người bệnh phải ra ngoài mua thuốc, vật tư hoặc chi tiền túi mua thuốc, vật tư nằm trong danh mục BHYT nhưng bệnh viện không còn. Trong nhiều văn bản liên quan vấn đề đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế gần đây, lãnh đạo Bộ Y tế nhìn nhận hiện quy định của pháp luật về đấu thầu "đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ". Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ, một phần lý do là các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo bảo đảm cung ứng thuốc như thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm...
Cơ quan BHXH TP HCM nhận định nhiều bệnh viện để người bệnh mua thuốc bên ngoài gây tốn kém, phiền hà. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, chi phí khám chữa bệnh BHYT tại TP HCM tăng 960 tỉ đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Số lượng bệnh nhân từ các tỉnh về TP HCM điều trị tăng, tăng viện phí, một số cơ sở khám, chữa bệnh mở rộng cơ sở vật chất, máy móc thiết bị...
PGS-TS-BS Nguyễn Phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Khoa Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) - bác sĩ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xúc động khi nhắc về những kỷ niệm của mình trong thời gian chăm sóc sức khỏe cho Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư đã làm việc đến giờ phút cuối cùng
"Tổng Bí thư luôn ở trong trái tim chúng tôi, những người thầy thuốc... Nhiều năm chăm sóc sức khỏe cho Tổng Bí thư, tôi học được tinh thần lạc quan, vui vẻ, gần gũi với mọi người. Có những lúc rất mệt, cơn đau đến nhưng Tổng Bí thư vẫn nén lại, nở nụ cười thật tươi và ra câu đố vui"- bác sĩ Nguyễn Phương Đông nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Đông, trong cuộc sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là người ân cần, quan tâm đến những người xung quanh. Đi công tác về, hoặc lâu ngày gặp lại, Tổng Bí thư đều hỏi thăm, động viên cán bộ, dường như trong tiếp xúc hàng ngày không có khoảng cách giữa nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước với cán bộ dưới quyền.
Điều mà PGS Nguyễn Phương Đông luôn ấn tượng đó là sự giản dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Tổng Bí thư là người đơn giản, không cầu kì trong trang phục. Bác thường nói thích sự đơn giản, mặc đồ cần thoải mái. Nhưng khi tiếp khách quốc tế hoặc những sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư luôn cẩn thận, chỉn chu. Một điều mà cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Khoa luôn cảm nhận tình cảm ấm áp của Tổng Bí thư đó là sự quan tâm đối với mỗi người, không phân biệt vị trí công tác" - bác sĩ Đông kể.
Cũng theo các cán bộ của Khoa Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương luôn, mọi người ở đây rất ấn tượng với cường độ làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Ngay cả thời gian chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện, Tổng Bí thư luôn có lịch làm việc cụ thể. Thông thường đầu giờ buổi sáng đều có các đồng chí là Thư ký, Trợ lý, Chánh Văn phòng đến báo cáo công việc. Từ 10 cho đến 11 giờ, Tổng Bí thư đọc tài liệu, đọc báo và đọc sách. Buổi chiều từ 14 giờ 30 phút đến khoảng 16 giờ là bác đọc tài liệu. Thậm chí, đến ngày Tổng Bí thư từ trần, buổi sáng ông vẫn nghe báo cáo công việc. Tổng Bí thư đã làm việc cho đến giờ phút cuối cùng"- PGS-TS Nguyễn Phương Đông bồi hồi kể lại những giờ phút cuối bên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Là một trong những người lo bữa ăn hàng ngày cho Tổng Bí thư, chị Nguyễn Thị Xoa, Khoa Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, chia sẻ: "Bình thường khoảng 6 giờ 30 sáng đến 7 giờ đã chuẩn bị bữa sáng cho bác rồi nhưng nay thì không còn được nấu cho bác nữa rồi. Những ngày qua, chúng tôi rất buồn vì không được chuẩn bị bữa ăn cho bác nữa".
Nơi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng bệnh
Theo chị Xoa, Tổng Bí thư ăn uống rất đơn giản, ăn theo chế độ bệnh lý. Món ăn thường là đồ rất mềm "Chúng tôi luôn muốn đổi thực đơn cho phù hợp nên đều hỏi hôm nay bác muốn ăn gì, bác chỉ cười hiền hậu: "Các cô cho tôi ăn gì cũng được". Không bao giờ bác yêu cầu. Bác thích ăn mì tôm, nhưng để đảm bảo sức khỏe chúng tôi không để bác ăn nhiều. Thậm chí, khi ăn dù thấy không ngon nhưng bác cũng nói là rất ngon và không bao giờ chê, luôn miệng khen và động viên chúng tôi" - chị Xoa xúc động.
Trong câu chuyện kể về Tổng Bí thư, chị Xoa cũng như các nhân viên nấu ăn khác đều chia sẻ: "Tổng Bí thư ăn uống rất giản dị, không cầu toàn. Bác rất hiền hậu, tận tụy với công việc và gắn bó với các nhân viên ở đây như là những người thân trong gia đình".
Cán bộ, thầy thuốc học được nhiều điều từ Tổng Bí thư
Trong tâm trí của các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xuất hiện với hình ảnh thật giản dị, gần gũi.
Nhiều nhân viên chia sẻ mỗi câu chuyện, từng lời nói, nụ cười của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn toát lên lòng biết ơn và trân trọng những người thầy thuốc đã luôn ở bên cạnh mình, chăm sóc sức khỏe cho mình.
Kể về những ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điều trị tại bệnh viện, Thiếu tướng GS-TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trong những ngày Tổng Bí thư ở bệnh viện, ông và cán bộ thầy thuốc học được rất nhiều điều về sự giản dị, tinh thần lạc quan, ân cần, chu đáo của ông.
"Trong thời gian điều trị, Tổng Bí thư luôn giữ tinh thần lạc quan, hóm hỉnh. Có những ngày bác rất mệt nhưng vẫn tập từng bước theo hành lang, rồi đến bàn đọc sách. Bác đã truyền sang chúng tôi tinh thần dù có khó khăn cần nỗ lực vượt qua"- GS Lê Hữu Song nói.
Mỗi câu chuyện, từng lời nói, nụ cười của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn toát lên lòng biết ơn và trân trọng những người thầy thuốc đã luôn ở bên cạnh mình, chăm sóc sức khỏe cho ông.
Đảng, Nhà nước, ngành y tế đã mời các chuyên gia giỏi đến cùng hội chẩn và điều trị. Điều đọng lại trong mỗi người đó là Tổng Bí thư luôn có niềm tin tuyệt đối dành cho ngành y tế nói chung và bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng.
Với các hoạt động giao lưu văn nghệ như ca hát, chơi nhạc cụ, đọc sách, chương trình "Đồng hành cùng chiến binh K" lần 8 này đã mang lại những phút giây ấm áp cho người bệnh. Bệnh nhân cũng được hướng dẫn tập về thiền định, yoga, các hoạt động đố vui có thưởng và tặng những phần quà ý nghĩa.
Đây là hoạt động được tổ chức định kỳ 2 tháng 1 lần với hy vọng động viên tinh thần cũng như bồi dưỡng sức khỏe cho bệnh nhân ung thư đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Qua đó, thắp lên niềm hy vọng sống để các "chiến binh K" tiếp tục chiến đấu và chiến thắng căn bệnh ung thư.
Viết trên chuyên san khoa học The Conversation, GS Stebbing cho biết một "bí kíp" mới giúp ngăn bớt hấp thụ cồn được một số ngôi sao chia sẻ gần đây là một ngụm, thậm chí một ly dầu ô liu.
"Mặc dù có sức hấp dẫn nhưng tuyên bố này thiếu căn cứ khoa học và cần phải tiếp cận với thái độ hoài nghi" - GS Stebbing lưu ý.
Lý thuyết được đưa ra đằng sau mẹo sử dụng dầu ô liu là hàm lượng chất béo cao của nó có thể thành một lớp phủ trên niêm mạc dạ dày, làm chậm tốc độ hấp thụ rượu vào máu.
Sự hấp thụ chậm hơn này có thể giúp giảm cường độ của các triệu chứng say rượu như nôn nao, choáng váng.
Theo GS Stebbing, dù thực phẩm béo có thể làm chậm quá trình hấp thụ rượu ở một mức độ nào đó, nhưng hiệu quả của chiến thuật này vẫn còn "đáng ngờ".
Bởi lẽ, sự hấp thụ rượu chủ yếu xảy ra ở ruột non, chỉ có khoảng 20% được hấp thụ ở dạ dày. Do vậy cho dù quá trình này có chậm đi một chút ở dạ dày, thì tác động tổng thể vẫn quá nhỏ.
Ngoài ra, quá trình trao đổi chất hoặc phân hủy tự nhiên của rượu trong cơ thể gồm sự tham gia của nhiều cơ quan.
Trong đó, gan thay đổi rượu về mặt hóa học bằng bộ máy protein của chính nó và là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng như mất nước, đau đầu, buồn nôn. Dầu ô liu không thể can thiệp gì vào công đoạn này.
Chưa kể, có một thực tế là dù chỉ một ngụm dầu ô liu cũng vô cùng "khó nuốt".
Các chuyên gia cho rằng để giảm bớt tình trạng khó chịu vì say rượu, tốt nhất vẫn nên tập trung vào 4 giải pháp "truyền thống":
Thứ nhất, mất nước là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng nôn nao, khó chịu. Bia, rượu lại là thức uống lợi tiểu, uống chúng chỉ làm bạn mất nước trầm trọng hơn.
Vì vậy, uống nước trước, trong và sau khi uống rượu sẽ giúp bạn tránh bớt nhiều triệu chứng khó chịu.
Thứ hai, ăn một bữa ăn bổ dưỡng trước khi uống rượu có thể làm chậm quá trình hấp thụ rượu.
Thực phẩm giàu protein, chất béo và carbohydrate phức hợp có thể cung cấp một cách thức cân bằng hơn để giảm thiểu tác động của rượu, chứ không phải một ly dầu.
Thứ ba, sau khi uống rượu hãy tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bổ sung chất điện giải đã mất và cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể giúp cơ thể phục hồi, ví dụ đồ uống thể thao, trái cây và rau quả.
Thứ tư, quan trọng nhất: Nếu không muốn say rượu đến mức chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu kéo dài, hãy uống vừa phải theo tửu lượng của bạn.
Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nutrients cho thấy việc bổ sung đầy đủ vi khuẩn có lợi Bifidobacteria và chất xơ trong bữa ăn có thể là chìa khóa để đẩy lùi tình trạng béo phì và mỡ nội tạng, thông qua việc tăng cường đốt calo khi nghỉ ngơi.
Theo nhóm tác giả đến từ nhiều phòng thí nghiệm ở Osaka và Tokyo (Nhật Bản), tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi chiếm tới 60% lượng năng lượng mà một người tiêu hao mỗi ngày.
Trong khi đó, hoạt động thể chất chiếm khoảng 30%, sinh nhiệt do ăn uống chiếm khoảng 10%.
Tăng cường hoạt động thể chất được biết đến là chiến lược giảm béo hiệu quả, không chỉ tiêu hao năng lượng ngay lúc tập mà còn có thể góp phần tăng tốc độ đốt calo ngay cả khi nghỉ ngơi nếu được duy trì đều đặn, do cải thiện quá trình chuyển hóa.
Tuy vậy, một thực tế cần xét đến là những người béo phì, bị mỡ nội tạng nhiều vốn là người ít vận động và không phải ai cũng làm tốt lời khuyến nghị tăng cường vận động.
Vì vậy, các nhà khoa học tìm kiếm một giải pháp để hành động này thêm phần dễ dàng, thông qua chế độ ăn.
Tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi chủ yếu bởi hoạt động hô hấp, hoạt động nội tạng và duy trì nhiệt độ cơ thể - thông qua hoạt động của mô mỡ nâu (BAT).
Khác với mỡ trắng tích trữ năng lượng, BAT đốt calo để tạo nhiệt. Tập thể dục là một phương án tốt để kích thích BAT hoạt động siêng năng hơn, tăng cường đốt calo cả ngày.
Ngoài ra, tác động tích cực của axit béo chuỗi ngắn (SCFA) lên hoạt động BAT và chi tiêu năng lượng đã thu hút sự chú ý.
SCFA được sản xuất trong ruột và là nguồn năng lượng chính của tế bào ruột kết. Nhiều SCFA cũng làm tăng cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn và từ đó hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
Trong nghiên cứu mới, các tình nguyện viên được bổ sung Bifidobacteria và chất xơ thông qua một loại sữa cho thấy sự gia tăng SCFA giúp tăng tiêu hao năng lượng, hơn nữa còn ức chế sự tích tụ chất béo quanh nội tạng, tăng cường bài tiết chất béo qua đường ruột.
Đây là một phát hiện thú vị bởi béo phì ngày nay đã trở thành gánh nặng y tế lớn trên toàn thế giới.
Một thống kê gần đây cho thấy thừa cân béo phì đã gây ra khoảng 5 triệu ca tử vong vào năm 2019, liên quan đến các bệnh mà tình trạng này thúc đẩy như tim mạch, tiểu đường, ung thư, thần kinh, bệnh hô hấp mạn tính...
Trong khi đó, mỡ nội tạng - thường đi kèm với béo phì, tích tụ xung quanh các cơ quan nội tạng trong khoang bụng, bao gồm gan, dạ dày, ruột và thận - tiết ra các hormone và chất gây viêm và cũng thúc đẩy các căn bệnh nguy hiểm nói trên.
Việc bổ sung Bifidobacteria và chất xơ lại không quá khó khăn và không nhất thiết phải cần đến thực phẩm bổ sung đặc biệt.
Nhóm vi khuẩn Bifidobacteria, một loại men vi sinh, có thể tìm thấy trong các thực phẩm lên men tự nhiên: Sữa chua, chao, dưa cải, bắp cải muối chua, kim chi, trà kombucha...
Trong khi đó, ăn nhiều rau củ quả, ăn trái cây theo cách tự nhiên thay vì nước ép, dùng ngũ cốc nguyên cám (như gạo lứt, bánh mì nâu, yến mạch...) thay cho ngũ cốc tinh chế... là cách để nạp đủ chất xơ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) vừa phối hợp với một số bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn TP HCM thực hiện khảo sát mô hình bệnh tật học sinh các cấp, thuộc Đề án phát triển y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Khảo sát thực hiện ở gần 1.300 trẻ từ mầm non đến THPT trên địa bàn thành phố, kết quả cho thấy 54% trẻ mắc tật khúc xạ, còn lại là các bệnh lý khác.
Gây khó khăn trong sinh hoạt, học tập
Thực tế, tại Bệnh viện Mắt TP HCM mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn người đến khám. Trong đó, nhiều trẻ được phát hiện mắc tật khúc xạ.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Kim Chi, Phó trưởng Khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết số lượng người mắc các tật khúc xạ do sử dụng thiết bị điện tử đang gia tăng. Số lượng trẻ được phát hiện cận thị cũng tăng lên một phần do phụ huynh ngày càng quan tâm đến sức khỏe mắt của con em mình và đưa đi khám sớm. Ngoài ra, các trường học cũng tổ chức những đợt kiểm tra thị lực hằng năm, giúp phát hiện sớm và đưa trẻ đi khám khi cần thiết. Theo bác sĩ Chi, tật khúc xạ gồm cận thị, viễn thị và loạn thị, bệnh gây giảm thị lực. Nếu tật khúc xạ càng nặng (độ cận cao), mắt càng yếu khiến trục nhãn cầu dài dễ dẫn đến các bệnh lý liên quan võng mạc, thần kinh mắt.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Tuyết - chuyên khoa mắt, Khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) - cho biết có 2 nguyên nhân chính gây ra các tật khúc xạ là di truyền và môi trường. Trong đó, yếu tố di truyền chiếm tỉ lệ không nhiều, thường gặp ở trẻ có cha mẹ mắc tật khúc xạ. Bố mẹ bị cận dưới 4 độ khả năng di truyền sang con khoảng 10%, bị cận từ 6 độ trở lên khả năng di truyền sang con lên tới trên 90%. Còn lại bệnh do yếu tố môi trường, thói quen sinh hoạt không hợp lý.
Bác sĩ Tuyết cũng nhấn mạnh giảm thị lực do tật khúc xạ không được điều trị sẽ gây khó khăn trong học tập và sinh hoạt của trẻ. Ngoài ra, tật khúc xạ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: nhược thị, lác, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc…, thậm chí gây mù lòa.
Các dấu hiệu nhận biết
Theo bác sĩ Tuyết, để nhận biết trẻ bị tật khúc xạ, phụ huynh nên chú ý các dấu hiệu sau: trẻ thường xuyên nheo mắt, vẹo cổ hoặc nghiêng đầu khi nhìn; không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai hoặc viết lệch hàng; điều tiết của mắt trẻ bị rối loạn dẫn đến đau đầu, nhức mắt và chảy nước mắt. Nếu xuất hiện những dấu hiệu trên, cần nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được được thăm khám kịp thời.
Theo bác sĩ Chi, trẻ thường không nhận biết được mắt mờ và các bệnh lý tật khúc xạ sớm, do vậy, việc tầm soát sớm là rất quan trọng. Để phát hiện tật khúc xạ ở mắt, bác sĩ Chi khuyến khích cha mẹ nên đưa trẻ đi khám định kỳ 6 tháng/lần để can thiệp sớm, tránh tình trạng nặng hơn.
Hiện nay, Việt Nam và thế giới đang nỗ lực giảm sự tiến triển của cận thị và ngăn ngừa khả năng mắc tật khúc xạ. Tại bệnh viện cũng đang chuẩn bị triển khai chương trình kiểm soát cận thị, trong đó bệnh nhi sẽ được sử dụng thuốc điều tiết để kiểm soát cận thị, cùng với nhiều phương pháp khác như sử dụng kính nhằm làm giảm tốc độ tiến triển của cận thị.
Đối với nhà trường, các bác sĩ cho rằng cần bảo đảm phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế đúng chuẩn, tổ chức các chương trình tầm soát thị lực học đường để phát hiện sớm các tật khúc xạ.
Cho trẻ vận động nhiều hơn
"Khi phụ huynh nhận thấy con bị cận thị, họ thường quan tâm liệu có cách nào để chữa hết cận thị hay không. Thực tế, cận thị không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể đeo kính để điều chỉnh. Nhiều trẻ tăng độ nhanh và chương trình kiểm soát cận thị sẽ giúp kiểm soát việc này" - bác sĩ Chi lưu ý. Các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ nên hạn chế thời gian trẻ tiếp xúc với điện thoại và thiết bị điện tử; ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin A; khuyến khích trẻ hoạt động thể chất nhiều hơn...